TRƯỜNG CŨ NGƯỜI XƯA (2)

Logo phan hoi

HNg Vu Ngo Cuong 1THÊM MỘT CHUYỆN

50 NĂM TRƯỚC.

Việt, bài viết này hay. 

Tao có cử nhân giáo khoa Sử Địa có lẽ học để khỏi đi lính chứ chẳng bao giờ tao hãnh diện về cái bằng cấp đó. Cái tao hãnh diện nhất là tao qua Mỹ không xu dính túi, làm từ thằng nhặt rác, cu li, thành thợ chuyên nghiệp sau 3 năm ở Mỹ. Tự xây lấy nhà để ở…. Không hề xin một trợ cấp nào của xã hội. Tuy nhiên phải nói cái xã hội này rất hợp với những thằng tháo vát như tao. 

HNg Ng Manh DanCường Gà

Cám ơn anh Lý 

Bài hay và cảm động. Gửi các bạn. Thân

Ngyễn Mạnh Dần

Cám ơn các bạn đã giúp tôi có hứng để viết chuyện này.

Võ Minh Lý

Logo TS cung nhau

Cong truongTHẦY CŨ ƠN XƯA

Tục ngữ Việt Nam mình có câu : “Không thầy đố mầy làm nên”. Đúng thiệt, nên tôi không dám dông dài. Có điều là chuyện của tôi đặc biệt hơn. Tôi đến với Thầy Phạm Đình Tiếu ở Trường Hồ Ngọc Cẩn như là một cơ duyên.

Thầy trao cờ cho tôi phất. Nhờ Thầy mà năm 1966, tôi vừa khỏi phải thi Tú Tài II mà lại còn được học bổng đi Mỹ.

Thầy Tiếu bắt đầu dạy tôi môn Địa lý nửa năm sau của lớp đệ tam (1963 – 1964). Tôi vốn thích địa lý từ nhỏ nên chưa hề chán học giờ này với các thầy cô khác bao giờ. Gặp Thầy Tiếu, với cách dạy hào hứng của Thầy, tôi càng mê môn Địa lý hơn.

Có bạn nào còn nhớ gió Foehn là gì hôn ? Cái thứ gió thổi ngược từ trong đất liền ra biển, hay là từ trên núi xuống đồng bằng ấy mà. Vừa khô ran, vừa nóng rát da luôn. Miền Bắc Việt Nam mình thì gọi nó là gió Lào. Ai ở vùng Nam California thì biết nó là Santa Ana wind. Tôi đã say sưa nghe Thầy Tiếu đi tới đi lui trong lớp nói về thứ gió này ở châu Âu, tại sao nó lại là gió nóng để rồi sau này, mỗi lần được hưởng nó là tôi lại nhớ tới Thầy.

Rồi các bạn có biết tại sao mình bay từ Việt Nam qua Mỹ thì nhanh hơn là mình bay từ Mỹ về Việt Nam hôn ? Nhanh hơn cả một, hai tiếng đồng hồ đó nha. Đó là nhờ luồng “Jet Stream” mà Thầy Tiếu đã dạy năm đệ tam í. Từ khi có máy bay phàn lực bay ở cao độ 10-15 ngàn mét (tức là 30-45 ngàn feet), người ta mới khám phá ra luồng gió này. Vì vậy mà ngành khí tượng mới đặt tên cho nó là Jet Stream.

2 Chuyen doi thay tro 2Nó thổi cùng chiều với vòng quay của trái đất, tức là từ Tây sang Đông và nó là tác nhân gây ra đủ thứ rắc rối về thời tiết trên đời. Nghe lùng bùng lỗ tai chưa nè ?

Bạn nào chê học địa lý hình thể khô khan ? Hổng có tôi trong đó đâu nha. Thầy Tiếu làm tôi mê nào là núi đá hoa cương, nào là đồng bằng do sa thạch từ đáy biển trồi lên, nào là các đảo do núi lửa tạo thành. Đừng nghĩ bậy nhe. Chưa kể là nhờ có các hiện tượng thời tiết xâm thực lên đất đá nên chúng ta mới có những kỳ quan thiên nhiên như các hẽm vực hay hang động khắp nơi.

Quý bạn thông cảm. Tôi có duyên với địa lý từ hồi bảy, tám tuổi lận. Khoảng năm 1955, 1956 thì Ba tôi đưa gia đình về quê ở Ba Tri, Bến Tre sau khi Ông nội tôi qua đời. Từ cuộc sống thành thị, tôi bở ngỡ khám phá cuộc sống nông thôn. Ông nội tôi lúc sinh thời là hương chức trong làng An Bình Tây. Tôi khám phá ra trên án thư của Ông là một tập họa đồ vẻ tay bằng mực tàu. Nét vẻ và chữ viết rất sắc sảo gây ấn tượng mạnh trong cái đầu còn như tờ giấy trắng của tôi.

Những địa danh lạ tai làm tôi thắc mắc và tò mò tìm hiểu. Từ làng An Bình Tây tôi dò ngón tay qua các làng lân cận như An Đức, An Hòa. Từ quận Ba Tri tôi lật qua các quận khác trong tỉnh Bến Tre như Giồng Trôm, Bình Đại. Rồi tự nhiên tôi tìm được sự liên hệ giữa khoảng cách trên bản đồ và khoảng cách thật sự ngoài đời. Có ai còn nhớ tỉ lệ xích hôn ? Nó đó. Rồi thì phương hướng, kim nam châm và la bàn.

Hồi đó đám con nít trong xóm phục lăn khi tôi chẻ một cọng rơm làm hai theo chiều dọc rồi đặt cây kim may lên đó. Tôi cho nó nổi trong tô nước rồi chỉ tụi nó đâu là hướng Bắc và suy ra các hướng khác cho tụi nó hết cải luôn.

Kịp đến khoảng giữa năm 1958 thì Ba tôi dắt gia đình trở lên Sài-gòn, định cư ở vùng Cầu Sơn, cách ngã ba Hàng Xanh một đỗi không xa. Lúc học lớp nhứt cho tới năm đệ ngũ, tôi đi học bằng xe buýt vàng hay xe buýt xanh. Ngày nghỉ sau khi phụ Má tôi bán bánh mì xong là tôi ra leo lên xe buýt đi chơi.

9 HNC thay Tieu 2Hồi đó học sinh đi đâu cũng chỉ tốn có một đồng. Từ ngã ba Hàng Xanh tôi đi ra trạm chánh ở Bùng binh Sài-gòn rồi đổi xe đi mút chỉ đến cuối mỗi lộ trình. Chữ “tuyến đường” mới có sau này thôi. Xe buýt vàng thì chạy lòng vòng các lộ trình Thị Nghè – Bà Chiểu – Chi Lăng – Phú Nhuận- Ngã tư Bảy Hiền. Xe buýt xanh thì từ Sài-gòn túa ra các hướng đi Cây Gõ, đi Gò Vấp, đi Phú Nhuận, đi Lăng Cha Cả… Đó, địa lý nó thấm vô máu tôi như vậy đó.

Qua năm đệ tứ tôi có được xe đạp riêng để đi học luyện thi Trung học Đệ nhất cấp thì tôi khám phá thêm những con đường ở Sài-gòn, Chợ-Lớn, Gia-Định và những năm tiếp theo tôi còn dám đạp xe lên tới Gò Vấp, Quang Trung và Biên Hòa nữa kìa. Cái máu phiêu lưu bắt đầu từ thuỡ ấy.

Thành ra khi gặp lại Thầy Tiếu năm đệ nhất (1965 – 1966) thì tôi mừng lắm. Năm ấy Thầy dạy cả hai môn Sử và Địa. Tôi say mê những bài giảng của Thầy, nhất là những bài về địa lý chánh trị và nhân văn. Trừ lúc đầu giờ đứng trên bục viết dàn bài, Thầy Tiếu thích đi tới đi lui hay ngồi tựa vào cạnh một bàn học trò để giảng bài. Thầy thích mặc áo sơ-mi ca-rô ngắn tay, tóc hớt cua, tiếng nói to, giọng miền Trung nhưng không nặng nên dễ nghe. Thầy đi tới đâu là tôi ngoảnh cổ theo Thầy. Tôi say sưa nhìn cánh tay của Thầy đưa lên xuống hay đưa qua lại kèm với bàn tay lúc nắm lúc mở để diễn tả những điều Thầy muốn truyền đạt. Thầy hay gọi học trò bằng “mi”.

– “Này, tụi mi biết không, ở xứ người ta nửa đêm đèn đỏ mà xe vẫn ngừng lại chờ đèn xanh mới đi. Kỷ luật tự giác đến mức như thế đó”.

HNC Thay TieuThầy Tiếu lúc ấy chưa xuất ngoại lần nào. Thầy tốt nghiệp từ Trường Đại học Sư phạm nhưng Thầy khoe là quen biết nhiều giáo sư ở Đại học Văn Khoa Sài-gòn, như Tiến sĩ Quách Thanh Tâm tốt nghiệp ngành Địa lý ở Pháp về. Tôi say mê lắng nghe Thầy kể chuyện ngoại quốc để mà ước, để mà mơ…

Tôi cảm thấy như là trong mỗi bài giảng, Thầy Tiếu muốn nhắn nhủ và tâm tình với học trò về những mơ ước của Thầy. Khi được biết Thầy đã ra đời đi dạy, đã có vợ mà vẫn còn học lên nữa thì tôi phục lắm. Đúng là một ông thầy mẫu mực cho học trò noi gương.

Ngay cả môn Sử khô khan Thầy Tiếu cũng làm cho những bài học có hồn. Thầy liên hệ những sự kiện với giai thoại cho học trò dễ nhớ. Cái nhìn chung là Sử và Địa chẳng ăn nhậu gì với nhau mà sao ghép lại làm khổ học trò? Tôi vỡ lẽ ra khi nghe Thầy giải thích:

– “Tụi mi phải nhìn Sử-Địa như ri : Cả hai đều nghiên cứu về con người. Sử nghiên cứu con người trong phạm trù thời gian còn Địa thì nghiên cứu con người trong phạm trù không gian. Những diễn biến lịch sữ trong Đệ nhị Thế chiến đã thay đổi bản đồ thế giới như thế nào, tụi mi thấy đó”.

Cái duyên địa lý của tôi với Thầy Tiếu lên cao thêm một bậc khi gần cuối niên học 1965-1966. Năm đó bổng dưng rộn ràng chuyện Bộ Giáo dục tổ chức Kỳ Thi Đua Trung học Toàn Quốc. Các trường công, tư náo nức chọn gà ra sân đấu. Gà được chọn theo tiêu chuẩn là : Đứng hạng nhất, nhì, ba toàn năm học đệ nhất trong lớp và đứng hạng nhất cả hai lục cá nguyệt cho môn đi dự thi.

9 HNC thay Tieu 1Hội đồng giáo sư Trường Hồ Ngọc Cẩn chọn ra được mấy con gà, trong đó có Nguyễn Lê Anh đi thi Toán và Lý-Hoá, còn tôi thì đi thi Sử-Địa.(Sau này tôi được biết thêm là có một gà HNC chạy lạc sang bên Petrus Ký năm đệ nhất, đó là Ngô Kim Bảng lớp Pháp văn. Bảng đi thi Toán, Lý-Hóa cho Petrus Ký). Gà đi thi môn nào thì giáo sư dạy môn đó chịu trách nhiệm o bế, kèm cặp.

Tôi đã nghe phong phanh tin này rồi mà khi Thầy Tiếu vào lớp chính thức thông báo, trong bụng tôi vẫn cứ đánh lô tô nhưng chắc cái lỗ mũi của tôi phồng dữ lắm. Thấy tôi lúng ta lúng túng, Thầy cười :

– “Sao mi run mà mắt sáng rỡ hỉ ? Ráng lên, cuối tuần này mi bắt đầu phải đến nhà tao học thêm.”

Tôi không nhớ Thầy xưng hô với lớp là gì, riêng tôi thì vẫn nhớ chữ “tao” mà Thầy xưng với tôi. Tôi ngầm hiểu là được Thầy cưng. Tôi ví mình như là đệ tử ruột của sư phụ trong chuyện kiếm hiệp.

Mà tôi được cưng thiệt. Thầy Tiếu trao cho tôi nhiều thứ bửu bối lắm nha. Về Sử, Thầy đưa cho một số tài liệu mà Thầy dặn là không được khoe với người ngoài. Thầy đoán là đề thi môn Sử nhắm vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi được đọc những sách và tài liệu về Quốc Dân Đảng ở Việt Nam, về ông Nguyễn Hải Thần, về phong trào Việt Minh… Tài liệu nhiều cái quá sức hiểu biết của tôi lúc ấy nên bài thi thì coi như trúng tủ nhưng mà tôi không đủ sức làm, và cũng không có thí sinh nào làm nổi nên môn Sử năm ấy không có giải thưởng nào.

Về Địa, tôi như bị hớp hồn với cuốn bản đồ Atlas của Rand McNally mà Thầy cho mượn. Tôi mê mẩn chở sách về, trong lòng sướng rơn lên. 9 HNC thay Tieu 3Bìa nó cứng, màu đỏ, bề ngang hơn hai gang tay, bề dài hơn ba gang tay, bề dầy gần ba đốt lóng tay, nặng chắc phải vài kí lô. Tôi nâng niu, chăm chút nó trong lòng khi mở ra học.

Những lời Thầy giảng như càng rõ thêm khi mở sách ra. Ai nhìn bản đồ thấy nó chi chít rối mù chứ tôi thì nhìn vô càng thêm sáng ra. Những màu sắc, những ký hiệu, ngay cả độ lớn nhỏ của mỗi địa danh đều được sắp xếp có hệ thống để cung cấp thông tin. Đối với tôi, bản đồ là một vật sống chứ không phải vô hồn. Cuốn Atlas có đủ loại bản đồ trong đó, về hình thể, về chính trị, về dân số, về tài nguyên, v.v…

Trước khi đi thi một tuần, Thầy Tiếu dặn dò tôi tập trung vào ba cặp quốc gia : Mỹ và Liên Xô, Trung hoa và Ấn độ, Anh và Nhật mà Thầy nghi là họ sẽ cho trong một đề tổng hợp. Thầy giải thích và phân tích những điểm tương đồng và dị biệt trong mỗi cặp và dặn tôi ráng nhớ vẻ các bản đồ để chứng minh lý luận của mình. Đề thi Địa năm đó là: So sánh Anh quốc và Nhật Bản. Tôi trúng tủ.

Kỳ thi đua Trung học Toàn quốc năm 1966 được tổ chức tại Trường Trưng Vương trong tháng năm, khoảng hai tháng trước kỳ thi Tú Tài II phổ thông. Thí sinh khắp nơi trên toàn quốc về dự tranh. Mỗi môn thi một ngày, qui định cho giờ thi là từ 8 giờ sáng đến 2 giờ trưa. Hng Vo Minh Ly 3Thí sinh chỉ được mang theo viết, mực (cấm xài viết nguyên tử), thước kẽ, viết chì và thức ăn nhẹ. Giấy làm bài thi và giấy nháp do Bộ cung cấp.

Khác với ngày thi môn Sử tôi chỉ làm bài được vài tiếng đồng hồ rồi tắt tịch, ngày thi môn Địa tôi làm bài muốn hụt hơi luôn. Đến trưa thì phải vừa viết vừa nhai bánh mì cho kịp giờ. Sau khi soạn ra dàn bài, tôi phải canh giờ để làm từng phần. Cái kiểu viết vài ba chữ lại phải chấm mực làm tôi sốt ruột không ít, mà phải chịu vậy.

Tôi đã ngồi liền tù tì sáu tiếng đồng hồ, xài khoảng mười trang giấy trong đó phải vẻ năm, sáu cặp bản đồ minh họa. Tối hôm ấy tôi trình lại với Thầy Tiếu diễn tiến hai ngày đi thi. Thầy lắc đầu bài thi môn Sử, chê Bộ cho bài quá cao. Thầy gật gù bài thi môn Địa của tôi làm, mừng cho tôi trúng tủ. Lúc tôi chào ra về, Thầy vổ vổ vai tôi : “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên hỉ. Thôi mi về học luyện thi tiếp với bạn đi.”

Một buổi sáng đẹp trời tin mừng đến tai tôi nhưng tôi đâu dám tin liền. Tin là sáng hôm ấy trên Đài Phát thanh Sài-gòn, Bộ Giáo dục thông báo kết quả Kỳ Thi đua Trung học Toàn quốc. Sáng sớm nào tôi cũng mắc bận phụ Má tôi sắp soạn các thứ rồi đẩy xe bánh mì ra Ngã ba Hàng Xanh trước khi đi học nên tôi đâu có nghe tin tức bao giờ.

Trong lúc sắp hàng vô lớp là tôi đã nghe tiếng xầm xì : “Thằng Lý lùn trưởng lớp mình đạt giải nhứt Địa lý tụi bây ơi. Tao nghe ra-dô sáng nay”. Nhiều đứa không tin, mà tôi cũng không dám tin dù nghe có khoái cái lỗ tai thiệt. Cho tới khi Thầy Tiếu bước vô lớp, miệng cười tay chỉ mặt tôi : “Thằng Lý, mi ăn mừng đi. Gà của Trường Hồ Ngọc Cẩn thắng giải nhất môn Địa lý ! Sướng chưa hỉ ?” Hng Vo Minh Ly 1Tôi chỉ biết đứng dậy lúng búng nghẹn ngào cám ơn Thầy : “Dạ, em có làm gì đâu. Mọi chuyện nhờ Thầy hết mà”. Giây phút thăng hoa ấy thật tuyệt vời.

Khoảng mười ngày sau thì tôi được kêu lên văn phòng. Thầy Hiếu, Hiệu Trưởng HNC, bắt tay chúc mừng và trao thư mời của Bộ đến Ba Má tôi. Bộ Giáo dục cũng mời Thầy Hiệu Trưởng và Thầy Tiếu tham dự buổi lễ trao giải thưởng tổ chức tại Trường Quốc gia Âm nhạc vào giữa tháng sáu năm 1966. Tôi hãnh diện lắm, năn nỉ Má tôi nghỉ bán một buổi đi dự để tôi khoe Thầy ruột của mình. Ba tôi thì khỏi nói, ổng mua được tờ báo có đăng tin của đài phát thanh đi khoe tùm lum trong xóm.

Tôi vẫn nhớ mãi cái ngày trọng đại ấy vì mấy thuỡ mà được đi taxi. Thầy Tiếu gặp Ba Má tôi thì “Chúc mừng hai bác”. Thầy Hiếu trông rất bệ vệ, tươi cười. Tôi đâu khoảng người thứ tám lên lảnh thưởng, như đi trên mây. Tôi nhận được Giấy Ban Khen và một bao thơ. Kết quả chung là có chừng hơn mười giải thưởng, trong đó tôi biết chắc là ngoài tôi thì còn một giải nhất nữa cho môn Vạn vật. Má tôi chấm cô nàng giải nhất này, tên Hương, mà số không duyên nợ nên tôi chẳng bao giờ gặp lại.

Về nhà mở bao thơ ra thì ngoài số tiền thưởng hai ngàn đồng, tôi được một ngạc nhiên lớn khác : Chứng chỉ Tú Tài II. Vậy là tôi đậu luôn Tú Tài II rồi sao ? Hng Vo Minh Ly 2Tôi tức tốc đạp xe qua nhà Thầy Tiếu để hỏi thực hư. Thầy cũng ngớ ra, chưa thấy cái chứng chỉ nào như vậy. Gì đâu mà Ban : Địa lý; Hạng : Đương nhiên !. Chứng chỉ của người ta thì Ban : A, B, hoặc là C; Hạng thì Ưu, Bình, Bình thứ hoặc là Thứ. Tôi hoang mang cả mấy tuần cho tới khi biết chắc ăn là coi như mình được miễn thi Tú Tài II phổ thông. Với cái chứng chỉ Tú Tài không giống ai ấy, tôi đã nghe lời bạn bè nộp đơn xin học bổng và đã được chọn đi du học ở Mỹ năm 1967.

Tháng sáu năm 2016 này là đúng 50 năm ngày tôi thi đậu Trung học Toàn Quốc. Thầy Tiếu nay không còn nữa để tôi thăm hỏi. Nghe nói là sau cuộc đổi đời thì Thầy có cơ hội đi Pháp, lấy được bằng Tiến sĩ Địa lý bên đó rồi đi dạy cho tới khi Thầy mất.

Tôi viết bài này như là một nén hương lòng để tưởng nhớ và mãi mãi ghi khắc công ơn dạy dỗ đặc biệt của Thầy.

Minh Phú Lê Tân / Võ Minh LýTháng 5, 2016

Tran Long YenNGÀY KHAI TRƯỜNG

CỦA TUI

Nhà văn Thanh Tịnh có Ngày Khai Trường như sau : ”Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…. Buổi mai hôm ấy… vv… ”

Còn tui, tui có Ngày Khai Trường (vô Đệ Thất trường Trung Học Hồ ngọc Cẩn năm 1963) như vầy : Buổi mai hôm ấy, một buổi mai, trời quang mây tạnh, có gió hiu hiu… Má ở nhà… nấu cơm, tui đơn thân độc mã, cười ha hả … Sau đó : – Tui “thót“ lên chiếc xế điếc đầm, sườn xanh hiệu Suppe F.B, giá 1.002 đồng, có cặp vỏ đỏ chạy chỉ trắng, mới cáu xèn, tui đạp èo ẹo từ vùng ven Gò Vấp tới số 1 Lê Quang Định – Bà Chiểu, xa cở 10 cây số ngàn, miệng hút gió véo von, bởi nhận thấy, tâm hồn sao thơ thới, phẻ re, hân hoan lạ kỳ !!! Không thơ thới sao được, khi học trò Tiểu Học cả xóm, thi vô Đệ Thất Trường Công, đều .. rớt hết ráo ?! ….

Không hân hoan sao được, khi “mấy nhỏ” thi rớt Đệ Thất Trường Lê Văn Duyệt, nghe tui đậu, tới thăm, ”tụi nó” đều nhìn tui với cặp mắt… lé xẹ (?!)

Nè, tui ngồi chồm hổm ở… nhà mình, tui “nổ“ muốn banh… nhà lồng chợ nha :

– Bộ mấy… bà tưởng, vô Đệ Thất dể ăn lắm hả ? Quá khó nhe …

Logo phu hieu 1– Ừ…thì khó… chớ ai nói dể, đâu…nà !!!

Thấy mấy nhỏ… thi rớt xụi lơ, tui… nổ tiếp, rồi.. khè luôn :

– Nè, tui nói mấy bà nghe nè : tên tui vần Y nên số báo danh xếp chót cùng …

– Vậy sao, số mấy ?

– 2.544… chớ nhiu ! Tui tưởng mình đội sổ, nhưng khi thi, mới hay còn một thằng vần Z nó có số báo danh là 2.545, đó là… số – báo – danh – đèn – đỏ ! (?)

– Vần Z ?! Vậy tên gì ?

– Nó tên là Ziệt – Kủ – Zìn ! Có lẻ sống ở Chợ lớn !

– Zìn đậu hôn ?

– Rớt ! Nó rớt… như mấy bà đó ! (tui nói ”rớt” hoài, thiệt là ngu

Mấy nhỏ đang lé con mắt, tui… phình bụng “nổ“ tiếp :

– Nè, năm 1963 nầy, trường Hồ Vgọc Cẩn chỉ lấy có 255 đứa vô Đệ Thất, mà học trò thi tới 2.545 thằng… Vậy mấy bà biết tỉ lệ… mấy hôn ?

– Lệ gì ?

– Tỉ lệ 1 chọi 10 …

– …??!!… (im ru … chắc hỏng hiểu)

– Xời ! Mấy bà có nghe “người xưa“ nói hôn ?

Tre em 1B– Nói sao ?

– Hai chọi một, hỏng chột cũng què !

– … ?!?! …í ẹ … nói nhìu quá !!! (ý nói là tui …đía đó nhe, bể quá)

Bị mấy nhỏ chê ”nói nhiều”, tui hơi bị… quê, bèn gở gạc chút chút :

– Tui nói vậy, mà… nhìììu ?… Xời !!! (?!)

– …???!!!…

……Cũng buổi mai hôm ấy, tui chơi ”cái quởn” Kaki xanh mới, áo trắng dài tay (là bộ đồng phục) ủi hồ láng cón, bỏ áo vô… thùng hẳn hẹ, túi dắt cây Alpha mới tinh giá 70$, cẳng mang giày Bata trắng hếu, lưng đeo dây nịch đen hù… Chạy xe đạp tà tà trên con đường cái quan, gió mai hiu hắt thổi mát rượi, văng vẳng có tiếng chó la, gà cục tác om sòm… chạy xe chẳng mấy chốc, tới ngã tư Bình Hoà, xe đổ dốc… tui bèn rút cặp giò lên, không đạp, để xe thả dốc ro ro… thấy trong bụng, nó… phẻ cách gì !!!

Xe dừng trước cổng, có một ông quơ quơ tay, chỉ chỏ :

– Mấy cháu xuống xe, dắt vô sân lẹ đi…

Đó là ông Tám, ngày 20 – 11 – 2003 gặp lại ổng, ổng vẩn cười hì hì, móm xọm ! Tui đẩy xe vô sân, sắp xe vô hàng, tay xách cái “bồi“ da, chất bên trong 20 cuốn tập 100 trang mới cắt chỉ, cái bồi da sao mà, nó nặng, như… ba lô lính !

Đang bơ ngơ báo ngáo, lạ hoắc lạ huơ, bổng có “mấy anh lớn lớn“ đi tới, ra vẻ đạo mạo, mặt khó… như quỉ, hai tay chắp sau mông, hất hàm :

– Tụi bây mới đậu Đệ Thất hả ?

– Dà…

– Cho tụi bây hay, đây là ”Trường – Công” nghe, vô đây mà cà chớn, ba trợn, cà giựt cà bật… là đuổi sạch nhách, nghe chưa ?

Tre con 11– Dà… (tui cảm sợ mất hồn)

Tiếp đến là một anh “lớn lớn“ khác, ông này nói năng có vẻ bậm trợn hơn :

– Tao báo cho tụi bây biết trước để mà chán, ông Tổng Đen rất ghét những thằng làm biếng, lêu lỏng, trốn học… nếu ổng bắt được thằng nào, ổng cho “đi cồng siiing“ là đời tụi bây sẻ tàn trong… ngỏ hẹp, liệu cái thần hồn !?

“Lên lớp“ mấy câu, mấy sư huynh đi mất, để lại trong lòng bọn Đệ Thất tò te tụi tui… một mối sầu vạn cổ ! Cổ họng tui, tư nhiện… nghe thấy khô rang !!!

Thằng Đệ Thất này hỏi thằng Đệ Thất kia :

– “Cồng siiing“ là gì bây ? (lính mới, chưa biết tên nhau)

– Ai biết !?

Một thằng lùn, sún răng cửa, nó cũng ôm cái cặp mới tinh, nặng trĩu, tài lanh :

– Chớ tụi bây hỏng biết hả ?

– Chớ hề !

– Xời ! Cồng sing mà cũng hỏng biết !

– … giảng nghe chơi ta…

– Nè, Cồng sing là cái… cồng số tám ! Là cái cồng để cồng tay, thúc ké tụi bây, hiểu chưa ? ( Úi trời )

– Má ơi !!! …. kỳ vậy ??!!

– Kỳ gì ? Tụi bây không cần hiểu nhiều, chỉ cần hiểu, khi bị cồng tay là “mụ nậu cũng đậu chuối khô“… (?!)

– Hả ??? (mấy thằng Đệ Thất tụi tui… sợ xám hồn)

A HNC 1Tụi tui đang chới với, thì thằng mắc dịch sún răng đó, nó hỏng tha, đía tiếp :

– …khi tay tụi bây bị cồng, nhúc nhích là cái cồng nó xiết vô, xiết vô tới lòi xương, rồi thì coi như… đời tụi bây, không xí lắc léo, thì cũng ngũm cù đèo …!

Nghe thằng mắc dịch nầy “nổ“ (không biết nó học lớp mấy, hay mới vô như mình) làm tụi tui bải hoải tâm hồn, xanh xương, rồi bổng “nổi gió hột“ cùng mình ! Vô trường học gì, mà nghe nó nói, y như vô… tù ! Thấy ngán quá !!! Nhờ chuyện “cái cồng“, tự nhiên mấy thằng Đệ Thất lạ hoắc bổng quen nhau…

Trong bụng còn đánh lô tô chuyện cái cồng, thì một ông già già, mặc áo trắng cụt tay, nước da đen đen, ốm nhom, coi bộ hơi… khó, ngoắc lại :

– Các trò biết học chổ nào chưa ?

– Dạ chưa …

– Cứ lại cửa lớp Đệ Thất dò tên, có tên thì vào, không được ồn ào, chạy giởn nghe chưa ?

– Dà …

Bảy tám thằng vội vả bước đi, vừa đi, tui vừa đoán mò với mấy thằng kia :

– Tao nghe mấy cha lớp lớn, nói ông Tổng Đen… chắc là ông này ?

– Sao mầy biết ?!

A HNC 2

– Tại da ổng đen ! (Xin Thầy Tổng tha lổi cho em)

Cả đám, ba chớp ba nháng, mắt nhắm mắt mở, tuần tự, kéo ùn ùn kéo thẳng tới cửa lớp Đệ Thất A3, một thằng có tên, nó vô, kéo qua Đệ Thất A2, 2 thằng vô, sang Đệ Thất A1, một thằng vô  lại vọt qua Đệ Thất P1 rồi P2, tụi nó có tên, vô lớp hết ráo… bấy giờ chỉ còn một mình tui, đứng trơ vơ ngoài cửa lớp ! Thiệt là quá kinh hải, tui ngó dáo dác, mặt xanh lè, tự nhủ :

– Ủa ? Đâu còn lớp Đệ Thất nào ??!! Hỏng lẻ mình rớt ??? Kỳ cục vậy trời !!!

Lúc ấy, nếu xương ức của tui hơn bị yếu, có lẻ trái tim nhảy bung ra ngoài ! Rớt à ??? Tui nói thầm trong bụng :

– Mình dò tên rất kỷ ở danh sách, có tên mình vần Y ở chót bên dưới, rất dể tìm, vậy mà bây giờ… hỏng có là sao, hả trời ???

Tui bổng… tá hoả tam tinh, thôi rồi, và tự nhiên, tui cảm thấy mình sầu, sầu thảm thiết, không còn lòng dạ nào nhớ tên nhớ tuổi của mình nửa, mà nhớ tới mấy “con nhỏ“ gần nhà, nó đã thi đậu LVD, mình đã nói chắc như bắp, là cũng đậu, thế mà giờ lại rớt, má ơi… khó ăn khó nói, khó trăm bề đây nhen !!! Bây giờ, mình mà vác cái mặt mo.. thi rớt, mò về nhà, thì có nước, làm Thổ Hành Tôn : độn thổ đi luôn !

Anh CGS 2Tui buồn hiu, lổ tai nghe chan chát như sấm nổ chiều đông, cẳng chưn muốn xụi, tui nhè nhẹ lết ra, ngồi lại cột cờ ! Thở không muốn ra hơi, nghẹn ứ cổ họng, tui có cảm giác, cái càm của tui, nó dài, như càm… ngựa, trong lòng nghẹn ngào uất ức …

Tui nhìn bâng quơ, thấy cửa lớp Đệ Thất nào cũng có cả chục thằng tới coi tên, có thằng vô lớp để cặp, lại xí xọn, chạy ra dòm tên lần nửa, lại có vẻ… chảnh chảnh, làm tui bực cái mình, tui muốn… đổ quạu bất tử nha ! Tui rủa liền :

– Cái thứ gì mà cà chớn ! Mắc dịch mầy nhe… Dòm tên hoài !!!

Bổng trong đầu tui, như có “ông bà“ mách bảo, là coi chừng dò tên chưa đủ, còn sót sao đó, tui lẩm bẩm như… bị khùng :

– Còn lớp nào mà mình chưa dò tên cà ? Lạ kỳ thật tình, sót là sao ??? Tui quyết định là dò lại lần nửa, tui dò ngược tua, bắt đầu từ P2 rồi P1, qua A1 sang A2 vọt qua A3, cũng không thấy tên, hai cẳng tui muốn xụm bà chè, bước không muốn nổi, gần xỉu.

Đứng ngoài cửa lớp Đệ Thất A3 dòm qua trái, vì vướng cây cột bự nên tui không thấy bảng Đệ Thất A4 (là cái lớp ”ở gốc cầu (thang) tiêu” he he he) cơ khổ hong nè, nếu không có mấy thằng lố nhố, xí xọn, chảnh, chỉ chỏ, thì tui không biết, là còn 1 lớp Đệ Thất A4 nửa, mà mình chưa dò tên !!! Tự nhiên tui cứng gân, chạy vọt qua như gióóó… khỏi cần lấy tay rà từ trên xuống, tôi dòm ngay dưới cùng danh sách, thấy hàng chử Trần Long Yên, chói rực như đèn pha, bự tổ chảng, nó nằm chình ình một đống, bự chà bá đây nè !!!

Tr vui veQuá mừng, cái mừng nầy, nó còn to lớn hơn cái mừng, khi dò tên đậu vô Đệ Thất Hồ Ngọc Cẩn… gấp vạn lần, đó nhen !!! Thế là, tôi đang ngoắc ngoải  thê lương, bổng… Đùng Đùng Đùng !!! Như kẻ chết đi sống lại, y như lên Thiên đàng, y như về cỏi Phật, bay bổng chín tầng mây…

Ngày Khai Trường của Thanh Tịnh nó nhẹ nhàng, thanh thoát, bồng bềnh…
Còn Ngày Khai Trường của tui, sao nó… nháng lửa, phập phều, lụn bại, nặng nề như đá đeo lưng, nó làm tui rúm ró, teo lại, như… con sao lùn… rớt vô lổ đen, rồi bổng nổ ầm ầm như big bang… trời long đất lở !!!

Đó là một kỷ niệm, một kỷ niệm để đời, khó quên về Ngày Khai Trường của tui : Trường Trung Học Công Lập Hồ Ngọc Cẩn thân yêu ơi …

Trần Long Yên Học trò A4-B2 (63-70)

Chú thích hình 1 – 2 – 3 – 4  & 5 : Sân trường Hồ Ngọc Cẩn hiên nay (ảnh năm 2010)