A2- Lịch sử trường HNC (1)

Logo truong

LM TRẦN ĐỨC HUYNH

NGƯỜI CHA ĐẺ

TRƯỜNG “HỒ NGỌC CẨN”

Linh Mục Anrê Trần Đức Huynh, Nguyên Hiệu Trưởng Trung Học Hồ Ngọc Cẩn, Nguyên Giám Đốc Các Trung Học Tư Thục Bùi Chu, Nguyễn Bá Tòng Và Hưng Đạo, đã qua đời lúc 8 giờ tối ngày 18/12/2007, tại nhà Hưu dưỡng Bùi Chu, thuộc thành phố Garden Grove, Quận hạt Orange, California, hưởng thọ 88 tuổi và đã phục vụ Giáo hội 60 năm trong thiên chức linh mục.

Linh mục Trần Đức Huynh sinh ngày 23/11/1920 tại Ứng Luật, Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm. Ngay đầu thập niên 30 trong thế kỷ trước, ngài từ Giáo phận Phát Diệm sang Bùi Chu xin đi tu. Sau khi hoàn tất hai năm triết học tại đại chủng viện Quần Phương, thầy Trần Đức Huynh được cử về tiểu chủng viện Ninh Cường để hướng dẫn và dậy tiếng La-Tinh cho một lớp đàn em. Chính thời gian này là cơ hội giúp thầy lưu tâm đến vấn đề giáo dục.

Ngày 4/8/1947 thầy Huynh lãnh chức linh mục tại thánh đường Tòa Giám mục Bùi Chu do Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, giám mục Giáo phận Bùi Chu ban. Sau đó ngài làm linh mục phó xứ Lạc Đạo, huyện Nghĩa Hưng. Vì tha thiết với giáo dục từ lúc còn học tại chủng viện, linh mục Trần Đức Huynh cùng với linh mục Phạm Châu Diên được Đức Giám Mục Phạm Ngọc Chi uỷ thác nghiên cứu để thiết lập một trường trung học cho tỉnh Bùi Chu mới thành lập.

Năm 1950 Đức Cha Phạm Ngọc Chi cử cha Huynh làm Hiệu Trưởng trường này, lấy tên là Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn. Ban đầu là một trung học tư thục, số học sinh niên khóa đầu 1950-1951, gần một ngàn, từ lớp đệ thất đến lớp đệ tam.

Với kinh nghiệm làm việc, cha Huynh đã đặt kế hoạch vận động mạnh cho trường Hồ Ngọc Cẩn được tồn tại và trở thành công lập.

Mùa hè năm 1954, khi cảm thấy trường Hồ ngọc Cẩn có nguy cơ phải bỏ tỉnh Bùi Chu vì tình hình chiến cuộc và cuối tháng 7/1954 linh mục hiệu trưởng đã chuyển toàn bộ hồ sơ của trường vào Sàigòn; và sắp xếp để trường được mở cửa lại tại Sàigòn trong khu nhà thờ Huyện Sĩ.

Do đó trường Hồ Ngọc Cẩn đã có điều kiện mở cửa lại sớm nhất so với các trường trung học từ Bắc di cư vào Nam.

Sau hai niên khóa tọa lạc tại khuôn viên nhà thờ Huyện Sĩ, trường Hồ Ngọc Cẩn được bộ Giáo Dục dời về tỉnh lỵ Gia Định, chiếm một trường tiểu học đã được sửa sang lại và xây thêm.

Nhận thấy trường Hồ Ngọc Cẩn đã qua được mọi khó khăn, an nhiên và vững vàng trong sinh hoạt giáo dục, linh mục Trần Đức Huynh đã chuẩn bị sẵn sàng từ đầu niên khóa 56-57 để rời khỏi trường trung học Hồ Ngọc Cẩn. Trường Hồ Ngọc Cẩn được giữ cho tới ngày 30/4/1975 thì bị xóa tên.

Tiếp tục công tác giáo dục như là một sở trường, linh mục Trần Đức Huynh đã nắm giữ ba chức giám đốc của ba Trường trung học lớn và danh tiếng nhất đó là trung học tư thục Bùi Chu, trung học tư thục Nguyễn Bá Tòng và trung học tư thục Hưng Đạo.

Trung học tư thục Hưng Đạo, tọa lạc tại 125 và 115 đường Cống Quỳnh Saigon. Đây là một tư thục mở ra vì mục đích phát triển văn hóa, tìm một hướng tiến lên theo đà tiến triển của các quốc gia văn minh nhất thế gới như Mỹ, Anh, Thụy Sĩ. Với sự điều hành của Giáo sư Nguyễn Văn Phú, tới niên khóa 1974-1975 chỉ kể các lớp 12 tại trường Hưng Đạo lên tới bốn mươi (40) lớp.

Tuy bỏ nước ra đi đột ngột, mất mát tất cả những gì cao quý đáng giá đang xây dựng được, linh mục Trần Đức Huynh vẫn bình tĩnh quay về chăm lo bổn phận của một giáo sĩ, lãnh trách vụ quản nhiệm cộng đoàn tại một giáo xứ ở San Antonio, Texas từ năm 1975.

Qua thời gian ban đầu lận đận của một người tỵ nạn, cha Huynh đã nặng lòng nhớ tới những người thân cận còn kẹt lại ở Việt Nam, ngài tìm mọi cách để liên lạc, tận tình giúp đỡ. Linh mục Trần Đức Huynh dồn tất cả nỗ lực để yểm trợ Giáo hội Công giáo quê nhà. Cha đã vận động mọi giáo dân Việt Nam ở hải ngọai hình thành quỹ “bảo trợ ơn thiên triệu” để gửi về Việt Nam duy trì các chủng viện, giúp đỡ các chủng sinh có điều kiện theo ơn gọi làm linh mục.

Trong Lễ Ngân Khánh của ngài được tổ chức vào ngày 3/8/1997, cha nói  “Thâm tâm, tôi chỉ muốn ngày này được đánh dấu bằng những sinh hoạt thuần túy tinh thần, thiêng liêng mà thôi.”

Mười năm sau, ngày 5/8/2007, Lễ Ngọc Khánh của ngài đã được tổ chức đơn giản tại Trung Tâm Công Giáo, Giáo Phận Orange. Tất cả số tiền thu được đều dành cho nhà Hưu dưỡng Bùi Chu.

Hình ảnh người Mục Tử ở tuổi “bát tuần” ngày ngày cặm cụi bên máy điện toán với hàng chồng sách báo, tài liệu, hình ảnh la liệt chung quanh trong một căn phòng nhỏ, chật chội thiếu tiện nghi đã tạo nên những xúc động lớn cho những ai có dịp ghé thăm ngài. Đấy là một căn phòng chỉ đủ kê chiếc ghế Lazy boy để nghiêng vì ngài không nằm ngủ bình thường được do bệnh xuyễn kinh niên; mấy kệ sách, một bàn nhỏ cho dàn computer, một quạt máy, hai chiếc ghế không vách dựa, mà khi không có khách, ngài có thể lùa vào gầm bàn để có đường di chuyển lúc vào ra.

Lối sống ấy đã bám sát đời ngài từ khi còn ở miền Bắc qua những năm tháng tiếp tục làm Hiệu Trưởng trường Hồ Ngọc Cẩn được di chuyển vào Nam, làm Giám Đốc điều hành hệ thống ấn loát và các cơ sở giáo dục tư thục Nguyễn Bá Tòng và Hưng Đạo tại thủ đô Saigon….. cho tới thời gian về hưu dưỡng tại Orange thuộc miền Nam California.

Ngày 18/12/ 2007, cha đã đến dự bữa cơm trưa thân mật tại một nhà hàng, với khỏang 10 môn sinh, hầu hết trên dưới 70 và cũng đã thành danh. Ngài chỉ dùng 2 chén cháo, từ tốn ngồi nghe chuyện và nhỏ nhẹ trả lời những câu hỏi của anh em. Và ngài đã đột ngột ra đi vĩnh viễn lúc 8 giờ tối, sau khi hòan tất dâng Thánh Lễ tại nhà Hưu dưỡng, để lại bao lưu luyến tiếc thương của mọi người. Giờ đây ắt hẳn ngài đang huởng tôn nhan Thiên Chúa, Đấng mà ngài đã hết lòng phụng sự.

Từ năm 1950, linh mục Trần Đức Huynh – đúng ra phải nhớ tới ĐGM Phạm Ngọc Chi và LM Trần Đức Huân – đã tạo cơ hội cho hàng ngàn thanh thiếu niên thôn quê bước vào trung học làm cái đà tiến lên đại học và sau đại học. Môn sinh của ngài hiện nay có tới hàng chục ngàn. Họ là những chuyên gia thuộc mọi tôn giáo, có mặt ở khắp mọi lãnh vực, có danh phận ở trong và ngòai nước. Điều đáng nói hơn cả là, theo gương người thầy khả kính, họ biết đem tài năng phụng sự xã hội, như một ơn gọi và trách nhiệm, như một cách trả ơn những bậc sinh thành, những người Thầy và trả ơn đời.

HỒ NGỌC CẨN HÀNH KHÚC

Ðây Hồ Ngọc Cẩn tô thắm cho miền đồng bằng,

tươi thắm trên nền trời hồng,

soi bóng bên giòng Ninh Cơ.

Ðây một trung tâm hun đúc tinh hoa của miền tự do,

đây trường đúc rèn những người non sông ước mơ

Trăm ngàn học sinh là hy vọng của tương lai,

vui sống trong tình thân ái,

tranh đua trở nên anh tài.

Say sưa mơ theo thành công,

cố phấn đấu với đời sống,

quyết chí xứng đáng là các con dân Lạc Hồng.

Chăm chú chuyên cần học tập,

quyết chí noi gương theo gót anh hung

Một trí óc hùng cường,

một tinh thần cường tráng,

đợi ta gắng công.

Tương lai đang chờ ta đem hết sức,

với chí chí can trường xây dựng non sông ngày mai văn hiến.

Chúng ta xin thề còn là học sinh gắng chăm,

ngày mai thành công giúp nước,

nêu cao muôn đời danh tiếng con Rồng, cháu Tiên.

Nhạc và lời : LÊ VĂN CHIÊU (Kỷ Dậu – 1969)

NHỚ VÀI HÌNH ẢNH

TRƯỜNG HỒ NGỌC CẨN

và hình ảnh bạn bè, thầy cô năm xưa

Đức Cha Linh Mục Hồ Ngọc Cẩn (vị Giám Mục thứ nhì của Thiên Chúa giáo VN) Sáng lập trường Hồ Ngọc Cẩn, đầu tiên ở nhà thờ đường Bùi thị Xuân, cạnh nhà thờ Huyện Sĩ, sau năm 1954, trường được di chuyển về Nam (từ đó, công do linh mục Andre Trần Đức Huynh), tại địa điểm trên đường Lê Quang Định, trước đó là trường tiểu học Nam Tỉnh Lỵ, sau đó xây dựng lớn lên thành trường trung học Hồ Ngọc Cẩn, là trường công lập lớn nhất tỉnh Gia Định thời đó.,., lớn hơn trường nữ có những em đẹp Lê Văn Duyệt gần trường Hồ Ngọc Cẩn.

Chúng ta cảm ơn hai vị giám mục và linh mục sáng lập và xây dựng trường ta từ bắt đầu, và những vị hiệu trưởng, giám học, giám thị, giáo sư, thầy cô, và những thân tình tình cảm kỹ niệm bạn bè, thầy cô trường ta, và với trường nữ Lê văn Duyệt, mấy em luôn nhớ mấy anh Hồ ngọc Cẩn.

(H1) : Hình chụp giáo sư HNC năm xưa (ngồi giữa trung tâm hàng đầu từ trái, thầy Thịnh giám học, thầy Hiếu hiệu trưởng, thầy Bằng giám học, hai bên trái phải hàng đầu là những bóng hồng trường ta năm xưa, những cô giáo xinh đẹp của chúng ta (nói lén, và những bóng hồng của những thầy luôn) thời đó, hai hàng sau đứng là giáo sư, giám thị, tổng giám, toàn trường. (H2) : Hình chụp hơn 30 năm sau

NHỮNG CHI TIẾT ĐÁNG NHỚ VỀ

TRƯỜNG HỒ NGỌC CẨN

Ngược thời gian : 1948 tới nay, 63 năm qua, những chi tiết đáng nhớ về ngôi trường Hồ Ngọc Cẩn : (qua những bài viết của GS Nguyễn Lý Tưởng, Lê Đình Bảng, LM Phan Châu Diên, Vũ Lục Thủy, và Kiều Đắc Thềm (HNC P2 60-67).

Nhìn chung, là một lịch sử tạo dựng lâu dài, tương đối phức tạp, khó khăn, qua thời chiến tranh, không ổn định nơi chốn, dời đổi chỗ nhiều lần vì lý do an ninh, nhất là những năm tạo dựng trường từ 1948 cho đến năm di cư 1954, thành lập lại sau 1954 khi vào Nam, quả là nhiều công khó.

Công lớn nhất và quan trọng nhất là nhờ Đức Cha Andre Trần Đức Huynh người có công xây dựng trường ta đến thành công. Bài ca Hồ Ngọc Cẩn Hành Khúc  do nhạc sĩ Lê văn Chiêu viết.

1) ÐỨC GIÁM MỤC Ða Minh HỒ NGỌC CẨN (1876-1948) : Linh mục năm 1902, Giám Mục Giáo Phận Bùi Chu năm 1935, mất ngày 27/11/1948, qua 46 năm Linh Mục và 13 năm Giám Mục. Hưởng thọ 72 tuổi.

2) 1948 : Tên trường Hồ Ngọc Cẩn bắt đầu : Sau khi ngài qua đời, ngày 30/11/1948, chính quyền đã lấy tên ngài đặt tên trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu).

3) 1948 : Trung học Hồ Ngọc Cẩn Lục thủy, vì ở làng Lục Thủy. Linh mục Đinh Khắc Túc đứng ra đảm nhiệm chức Giám đốc, và ông Đặng Vũ Tiển làm Hiệu trưởng.

4) 1950 : Đức Cha Phạm Ngọc Chi cử cha, Linh Mục Andre Trần Đức Huynh làm Hiệu Trưởng trường, lấy tên là Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn Trung Linh (cũng ở Bùi Chu miền Bắc) năm 1950.

5) Từ năm 1950 : Công xây dựng trường Hồ Ngọc Cẩn lên là nhờ cha Huynh : Nhờ sự quen biết rộng lớn và tài ngoại giao khéo léo của Linh mục Hiệu trưởng Trần Đức Huynh, từ năm học 1950-1951, Trung học Hồ Ngọc Cẩn đã có ban giáo chức khá đông đảo. Như : Đặng Vũ Tiển, Đặng Đức Tầm (cả hai người làng Hành thiện), Vũ Ngô Mựu, Vũ Ngọc Ban, Vũ Ngọc Vỹ (cả ba người làng Lục thủy), Mai-lâm Đoàn Văn Thăng (người làng Hoàng mai, huyện Việt yên, tỉnh Bắc giang), Trần Mộng Chu (Cử nhân Luật khoa, người làng Lịch diệp, huyện Trực ninh), anh em Tạ Văn Hanh, Tạ Văn Bằng (người Nam Định), anh em Nguyễn Hữu Quyến, Nguyễn Hữu Quyền và Phạm Đức Bảo, Nguyễn Hữu Tiến (cả bốn người Thái Bình), Nguyễn Văn Tòng (người Nam Định), họa sĩ Nguyễn Văn Hiếu (người Hà Nam),Vũ Đức Thịnh (người làng Duyên Thọ, huyện Giao Thủy), kỹ sư Nguyễn Hữu Mưu, Roch Cường, Chu Đăng Sơn, Minh Tâm (cả bốn người Thanh hóa), bà Lê Thị Hòa, Vũ Đức Chang Sửu (người Hà Đông), kỹ sư Nguyễn Văn Nhiếp (người Hà Nội), Triệu Khắc Huỳnh, Ngô Giám, Vũ Viết Hà, Ngô Trường Thịnh, Nguyễn Bang Hanh, Ngô Đình Hoàn v,v,

6) Năm 1952 : Vì vấn đề an ninh, nên niên học 1952-1953 trường Hồ Ngọc Cẩn phải dời sang thị xã Bùi chu, tỉnh Nam Định.

7) Hè năm 1952, học sinh các lớp Đệ tứ trường Hồ Ngọc Cẩn còn phải lên tỉnh Nam định để thi Trung học Phổ thông. Bùi chu và Nam định chỉ cách nhau 27 cây số đường đất, nhưng vì tình trạng chiến tranh và sợ bị bắt cóc giữa đường, nên học sinh ít ai dám dùng đường bộ, hầu hết dùng đường thủy, đáp ca-nô ở bến Bùi chu, ngược dòng sông Ninh Cơ (tức sông Cửa Lạch) đến ngã ba Cựa Gà rồi theo sông Hồng đổ bộ lên phố Bến Thóc để vào thành phố Nam Đinh.

8/- Năm 1953 : Kể từ năm học 1952-1953, tổ chức Hội đồng thi Trung học Phổ thông ngay tại Bùi chu, để giúp học sinh học sinh đi lại thuận tiện dễ dàng và đỡ tổn phí. Còn thi Tú tài, học sinh Hồ Ngọc Cẩn cũng như tất cả các tỉnh khác ở Bắc phần, đều phải về Hà nội dự thí. Mặc dầu sống trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng học sinh Hồ Ngọc Cẩn vẫn ngày thêm đông đúc và ngoan ngoãn chăm chỉ học hành.

9) Nhà trường thu nhận cả nữ học sinh, phần đông là các nữ tu dòng Đa minh và dòng Văn Côi, bắt đầu từ năm học 1951-1952,

10) Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của Nhà Đạo, nhưng số học sinh Công giáo cũng chỉ xấp xỉ khoảng 30 phần trăm, trong số này có chừng 250 chủng sinh, một ít tu sĩ dòng Đồng công ở Liên Thủy và một số nữ tu.

11) Còn lại (70 phần trăm ngoại đạo), là những người thờ ông bà tổ tiên hoặc Tin lành hay Phật giáo hay chẳng theo tôn giáo nào. Học sinh nhận nhiều nơi, chẳng những gồm người tỉnh Bùi chu, mà còn cả người mấy tỉnh lân cận như Nam định, Thái bình, Hưng yên, Phát diệm và cả Hà nam, Hải dương. Sĩ số học sinh niên khóa 1952-1953 lên tới con số trên 3.000.

12) 20-07-1954 hiệp định Geneve chia đôi đất nước, Hiệp định quy định toàn thể miền Bắc Việt nam thuộc quyền cai trị của Chính phủ Việt minh. Linh mục Trần Đức Huynh cũng như như hầu hết giáo chức và đa số học sinh Hồ Ngọc Cẩn theo gia đình di cư vào miền Nam.

13) Từ 1954, ngay sau khi vào Nam, Linh mục Trần Đức Huynh đã vội vã vận động với Bộ Quốc gia Giáo dục để xin tái lập trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn tại Sài gòn để giúp các học sinh di cư của mình có chỗ học hành. Đề nghị của ngài được chính quyền chấp thuận và phụ huynh học sinh rất hoan nghênh.

14) Niên học 1954-1955 : trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn di cư được mở tại khu vực nhà thờ Huyện Sỹ, số 63 đường Bùi Thị Xuân Sài gòn. Do Linh Mục Andrê Trần Đức Huynh, Nguyên Hiệu Trưởng Trung Học Hồ Ngọc Cẩn.

15) Sau hai niên khóa tọa lạc tại khuôn viên nhà thờ Huyện Sĩ, trường Hồ Ngọc Cẩn được Bộ Giáo Dục dời về tỉnh lỵ Gia Định, chiếm một phần trường tiểu học Nam Tỉnh Lỵ đã được sửa sang lại và xây thêm

16) Từ 1956, trường Hồ Ngọc Cẩn chính thức dời đến một công sở tọa lạc tại đường Lê Quang Định, số 1A ở tỉnh lỵ Gia định, ngang chợ Bà Chiểu và xế lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. trường Trung Học Công Lập Hồ Ngọc Cẩn Gia Định cho đến 1975. Trường công lập nên mở rộng (chỉ là trường Nam, không nhận nữ sinh cho đến sau này) cho học sinh công giáo và ngoại đạo.

17) Nhìn chung sau 1954 : Năm 1954, trường di cư vào Nam, giữ tên là Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn, nhờ công Linh Mục Trần Đức Huynh vận động tái lập trường, những học sinh từ Bắc vào Nam đều tiếp tục học, cho hai niên khóa 54-55 và 55-56, học nhờ chỗ trong tu chủng viện do nhà thờ Huyện Sỹ giúp, số 63 đường Bùi thị Xuân Sài gòn, do các linh mục và các giáo sư di cư vào Nam giảng dạy. Trong hai năm 54-56, nhờ công đức Linh Mục Huynh là Hiệu trưởng, vận động và Bộ Quốc Gia Giáo Dục trong Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa do Tổng Thống Diệm công nhận, cộng tác trong việc giúp xây trường Hồ Ngọc Cẩn mới, năm 1956 hoàn thành, nơi trên đường Lê Quang Định, số 1A, và thành trường Nam Trung Học Công Lập Hồ Ngọc Cẩn lớn nhất tỉnh Gia Định.

18) Từ niên khóa 1956-1957 tại trường Hồ Ngọc Cẩn Gia Định, trường Trung Học Công Lập Hồ Ngọc Cẩn chính thức được Bộ Quốc Gia Giáo Dục bổ nhiệm, công nhận, thu dùng tất cả giáo sư trước đây từ miền Bắc vào là giáo sư chính thức trường, bổ nhiệm thêm những vị Hiệu Trưởng, Giám Học xuất sắc và những giáo sư giỏi chuyên môn các ngành và tốt nghiệp sư phạm làm giáo sư trường. Các học sinh thì ngoài học sinh Hồ Ngọc Cẩn trước đây từ miền Bắc vào học chính thức, những học sinh từ những khóa năm 56-57 và tiếp tục về sau phải qua kỳ thi tuyển là học sinh giỏi để được nhận vào học. Trường theo giáo trình giảng dạy kỹ cương, gương mẫu, đào tạo những lớp học sinh thành tài, thành danh và cống hiến cho quốc gia dân tộc trong thời chiến, cho đến ngày 30/4/1975.

19) Sau ngày 30/4/1975, trường đổi tên là trường Nguyễn Ðình Chiểu. Chế độ mới chủ trương xóa tên Hồ Ngọc Cẩn vì ngài là một nhân vật tôn giáo.

20) Nhưng nhóm cựu học sinh, cựu giáo sư trường Hồ Ngọc Cẩn trong nước cũng như hải ngoại vẫn còn nhớ tên trường cũ của mình (Hồ Ngọc Cẩn Bùi Chu trước 1954 và Hồ Ngọc Cẩn Gia Ðịnh sau 1954, trước 1975 ) nên vẫn liên lạc chung với nhau dưới danh nghĩa Hội Cựu Học Sinh trường Hồ Ngọc Cẩn.

Bùi Văn Việt

(bài viết tổng hợp theo sự tham khảo và trích dẫn của những bài viết của các tác giả nêu trên phần đầu bài. Riêng mục 19) và 20) thì được viết lại với sự đóng góp và đồng ý của các bạn cùng khóa HNC 60-67 là Vũ Đức Phú, Đỗ Quang Khanh và Vũ Hùng Chương, Hoàng Minh Chiếu, Trần Văn Tư, Thân Bình, và những bạn khác cùng khóa).

Bình luận về bài viết này