A3- Lịch sử trường HNC (2)

logo-truong

Kính tặng Linh mục André Trần Đức Huynh, Nguyên Hiệu trưởng Trường Hồ Ngọc Cẩn

TRƯỜNG HỒ NGỌC CẨN

QUÊ TÔI

– Vũ Lục-Thủy

Ngày 16 tháng 10 năm 1949, quân đội Liên Hiệp Pháp nhảy dù xuống Bùi chu (1) và mấy làng lân cận, bộ đội chính quy Việt minh và du kích địa phương vội vã rút lui khỏi vùng Xuân trường. Ít  tuần lễ sau, Khu Tự vệ Bùi chu được thành lập. Khu vực hành chính đặc biệt này trực thuộc quyền Quốc trưởng Bảo Đại, bao gồm các quận Xuân trường, Giao thủy, Hải hậu, Nghĩa hưng, Nam trực, Trực ninh thuộc miền duyên hải tỉnh Nam định.

Linh mục Giuse Phạm Châu Diên(2) được chỉ định phụ trách công tác giáo dục của Khu Tự vệ Bùi chu. Nhận thấy việc giáo dục thanh thiếu niên là vấn đề cần thiết và tối quan trọng, nên Linh mục đến bàn với Linh mục Đôminicô Đinh Khắc Túc (3), cha chính xứ  Lục thủy (4). Mặc dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, hai Linh mục cũng đồng ý phải cấp tốc mở một ngôi trường Trung học để con em trong vùng sớm có chỗ tiếp tục học hành.

Để ghi nhớ công ơn của Đức cha Đôminicô Hồ Ngọc Cẩn(5), Giám mục bản quốc đầu tiên của Địa phận Bùi chu, và cũng là một học giả Công giáo nổi tiếng trong nước, nên lấy tên Ngài đặt cho trường(6).

Trung học Hồ Ngọc Cẩn Lục thủy thành lập cấp thời trong hoàn cảnh đặc biệt đó. Linh mục Đinh Khắc Túc đứng ra đảm nhiệm chức Giám đốc, và ông Đặng Vũ Tiển(7) làm Hiệu trưởng. Ban Giám đốc mượn tư dinh của cụ Thái tử Thiếu bảo Đông các Đại học sĩ Vũ Ngọc Hoánh (1876-1958) để làm trường sở. Ngoài ra cũng còn  một lớp ở đình làng, và vài lớp tại tư gia (trong đó có một lớp ở nhà người viết bài này).

Lễ khai giảng tổ chức đơn giản vào buổi sáng Thứ ba, ngày 06 tháng 12 năm 1949 (Mười Bảy tháng Mười năm Kỷ sửu). Học trình theo đúng chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục (thuộc Chính phủ Quốc gia Việt nam, qui định trong nghị định số 9,  ban hành ngày 05 tháng 09 năm 1949. Thời đó lớp đầu tiên của bậc Trung học gọi là Đệ Nhất, tiếp đến Đệ Nhị, rồi Đệ Tam, Đệ Tứ… Đến niên khóa sau, Bộ Quốc gia Giáo dục ra thông tư đổi lại danh xưng các lớp : bắt đầu Đệ Thất, rồi Đệ Lục… và lớp cuối cùng là Đệ Nhất thi Tú tài phần hai.

Ban Giáo sư  năm học đầu tiên đó cũng chỉ khoảng mươi lăm người. Còn nhớ danh tính mấy vị, như các ông Đặng Vũ Tiển (Lý hóa),  Đặng Trần Thường (Anh văn), Đặng Đức Tầm (Việt văn), Nguyễn Văn Riêu (Toán)… đặc biệt có  cụ Nguyễn Văn Anh. Ông Đặng Vũ Thược  làm thư  ký kiêm giám thị.

Học sinh đa số người các làng Lục thủy, Hành thiện, Ngọc cục, mấy làng lân cận như Cát xuyên, Thủy nhai, Bùi chu, Phú nhai…, và một số khác ở các quận Giao thủy,Hải hậu, Nghĩa hưng, Nam trực, Trực ninh. Ngoài ra cũng còn một ít học sinh ở các vùng Kiến xương, Vũ tiên, Thái ninh… thuộc tỉnh Thái bình, và con em những gia đình ở các tỉnh khác tản cư  mà chưa kịp hồi cư.

Trung học Hồ Ngọc Cẩn khi đó chưa phải công lập, nên ban Giám đốc thu học phí để trả lương giáo chức. Được nhà cầm quyền địa phương và xứ đạo Lục thủy tài trợ, nên học phí thật nhẹ chỉ có tính cách tượng trưng để thu hút học sinh và giúp đỡ những gia đình nghèo túng. Những học sinh nào nhà nghèo không đủ khả năng đóng học phí, nhà trường cũng chước giảm hoặc miễn hoàn toàn.

Tuy theo đúng chương trình của bộ Quốc gia Giáo dục ấn định, nhưng nhà trường du di về mức tuổi của học sinh. Lớp Đệ Nhất gồm những cậu bé con vừa đậu bằng Tiểu học Việt Minh hồi tháng 6 năm 1949, nhưng cũng có mấy ông học trò đã ngoài ba bốn chục tuổi, có gia đình đàng hoàng. Vài ông học trò già có tới hai ba bà vợ, ngày nào cũng bị lũ bạn con nít chòng ghẹo trêu  chọc. Có đứa hỏi : “ Anh ơi ! Về nhà anh có hay nhờ các chị làm bài giúp bao giờ không ?” Có lần thầy gọi một anh học sinh già đọc bài, nhưng anh không thuộc, bỗng một tên ranh mãnh trong lớp hớt lẻo : “Bẩm thầy,  anh ấy không thuộc bài vì tối hôm qua hai bà vợ đánh cãi nhau, chửi nhau suốt đêm, còn anh phải dỗ con nên anh không có thì giờ học bài”. Thầy hỏi :  “Sao anh biết rõ như vậy ?”.  Hắn nhơn nhơn trả lời : “Thì mấy bà vợ anh ấy ngày nào chả choảng nhau ầm ĩ, cả làng con ai mà không biết cơ chứ !”

Thầy bèn bắt hắn đọc bài thay. Hắn đứng lên, khoanh tay lễ phép : “Thưa thầy con cũng không thuộc bài” . Thầy giận nói : “Có phải anh cũng bị  vợ quấy rầy nên không thuộc bài, phải không ?“ Hắn cười : “Con còn nhỏ, thầy u con đã lấy vợ cho con bao giờ đâu. Con không thuộc bài vì đêm qua du kích bò về xóm con quấy rối, con sợ quá không dám đốt đèn học bài ạ !“

Sách giáo khoa cấp Trung học thời đó thật cự kỳ khan hiếm. Bùi chu bấy giờ chưa có một hiệu sách nào, chỉ có mấy hiệu tạp hóa nhỏ bán giấy bút. Các môn Khoa học như Toán, Vật lý, Hóa học, Vạn vật  bài vở đều do thầy đọc cho học trò chép. Còn các môn Sử Địa, Pháp văn, Anh văn cũng tương tự. Anh văn học bộ xuất bản; lớp Đệ Nhất dùng quyển Sixième, Đệ Nhị quyển Cinquième, Đệ Tam quyển Quatrième… Chỉ một vài người trong nhà có sẵn sách cũ của cha anh. Môn Pháp văn cũng không hơn gì. Đến môn Việt văn, đặc biệt Cổ văn lại càng khổ hơn nữa. Chương trình quy định học những truyện Nôm như Bần nữ thán, Phan Trần. Trê cóc, Lục súc tranh công… thật có tiền cũng không biết tìm mua sách ở đâu. Cậu nào trong nhà có sẵn sách chữ Nôm cũng đành chịu vì không biết đọc. Thầy phụ trách môn Cổ văn là cụ Tú Nguyễn Văn Anh.  Cụ đã nhiều tuổi, lúc nào cũng khăn đóng áo dài và đeo mục kính nhiều khi sệ xuống tận sống mũi, đúng phong thái của một cụ đồ. Trong  lớp cụ luôn luôn cầm một hai quyển truyện Nôm của mấy hiệu sách ở phố Hàng gai Hà nội khắc in ngày xưa, rồi diễn âm từng đoạn cho các trò chép lại. Khi gặp những chữ khó hay điển tích thì cụ dừng lại cắt nghĩa, thỉnh thoảng cao hứng cụ lại chêm vào những câu chữ Nho dài lòng thòng, khiến cả lớp cứ ngồi ngẩn ra, chẳng ai hiểu gì…

Thời đó sổ ghi kết quả học tập và hạnh kiểm của mỗi học sinh gọi là Học bạ (livret scholaire), sau năm 1954 mới đổi là Thông tín bạ. Niên học đầu tiên 1943-1950, trường Trung  học Hồ Ngọc Cẩn chưa  kịp in Học bạ, nên học sinh phải tự làm lấy theo mẫu của nhà trường chỉ định, để các thầy và ban Giám đốc phê nhận.

Niên học đầu tiên của Trung học Hồ Ngọc Cẩn vừa mãn khóa vào cuối tháng sáu. Sang đầu tháng Bảy năm 1950, chính quyền địa phương thông báo cho nhà trường biết sẽ lấy tư dinh cụ Vũ Ngọc Hoánh làm công sở. Ban Giám đốc trường lúng túng chưa biết năm học tới sẽ đặt trường sở tại đâu. Được tin này, Tòa Giám mục Bùi chu yêu cầu di chuyển trường xuống Trung linh(8) và sẵn sàng cho muợn miễn phí các phòng ốc của Tiểu chủng viện. Ban giám đốc liền chấp nhận đề nghị quý hóa này. Việc dời trường xuống Trung linh, Nhà chung cũng có lợi, vì tiện để các thầy các chú trong chủng  viện  cũng theo học luôn thể. Linh mục Đinh Khắc Túc phải ở lại coi sóc xứ đạo Lục thủy, không thể xuống Trung linh tiếp tục giữ chức vụ Giám đốc cho trường được. Bấy giờ Linh mục André Trần Đức Huynh(9) đang phụ giúp xứ Lạc đạo ở vùng Nghĩa hưng được đề cử thay thế chức Hiệu trưởng trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn.

Danh xưng Trung học Hồ Ngọc Cẩn Trung linh có tự đó.

Linh mục Trần Đức Huynh là người rất quán xuyến, biết nhìn xa trông rộng lại có tài tổ chức và giỏi ngoại giao. Ngay khi về nhậm chức Hiệu trưởng, ngài bắt đầu cố gắng tìm mọi phương tiện để mở mang Trung học Hồ Ngọc Cẩn thành ngôi trường lớn có nhiều uy thế tại Bắc Việt. Linh mục đã tích cực vận động xin Chính phủ sớm công nhận trường Hồ Ngọc Cẩn là trung học công lập. Giáo sư Đỗ Trí Lễ, Giám đốc nha Học chính Bắc phần cũng tận tình giúp đỡ. Vài tháng sau, ông Nguyễn Hữu Trí, Thủ hiến Bắc phần, về kinh lý khu Tự vệ Bùi chu.. Nhân dịp này ông ghé thăm trường và tuyên bố chấp nhận Trung học Hồ Ngọc Cẩn là trường công lập, gồm hai bậc Đệ Nhất và Đệ Nhị cấp.

Sau đó không bao lâu, Bộ Quốc gia Giáo dục chính thức ban hành nghị định để chính thức xác nhận việc này.Cho đến năm 1954, toàn thể Bắc Việt chỉ có 7 trường Trung học Công lập sau đây : Chu Văn An(10), Nguyễn Trãi, Trưng Vương(11) (ba trường này ở Hà nội), Ngô Quyền (Hải phòng), Trần Lục (Phát diệm), Nguyễn Khuyến(12)(Nam định), và Hồ Ngọc Cẩn (Bùi chu). Trong đó, trường Hồ Ngọc Cẩn, Chu Văn An, Trung Vương, Nguyễn Trãi mới có các lớp Đệ Nhị cấp.

Nhờ sự quen biết rộng lớn và tài ngoại giao khéo léo của Linh mục Hiệu trưởng Trần Đức Huynh, năm học 1950-1951, Trung học Hồ Ngọc Cẩn đã có ban giáo chức khá đông đảo. Còn nhớ một số các vị như : Đặng Vũ Tiển, Đặng Đức Tầm (cả hai người làng Hành thiện), Vũ Ngô Mựu, Vũ Ngọc Ban, Vũ Ngọc Vỹ (cả ba người làng Lục thủy), Mai-lâm Đoàn Văn Thăng (người làng Hoàng mai, huyện Việt yên, tỉnh Bắc giang,  trước kia đã từng xướng họa với thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu), Trần Mộng Chu (Cử nhân Luật khoa, người làng Lịch diệp, huyện Trực ninh), anh em Tạ Văn Hanh, Tạ Văn Bằng (người Nam định), anh em Nguyễn Hữu Quyến, Nguyễn Hữu Quyền và Phạm Đức Bảo, Nguyễn Hữu Tiến (cả bốn người Thái bình), Nguyễn Văn Tòng (người Nam định), họa sĩ Nguyễn Văn Hiếu (người Hà nam), Vũ Đức Thịnh (người làng Duyên thọ, huyện Giao thủy), kỹ sư Nguyễn Hữu Mưu, Roch Cường, Chu Đăng Sơn, Minh Tâm (cả bốn người Thanh hóa), bà Lê Thị Hòa, Vũ Đức Chang Sửu (người Hà đông), kỹ sư Nguyễn Văn Nhiếp (người Hà nội), Triệu Khắc Huỳnh, Ngô Giám, Vũ Viết Hà, Ngô Trường Thịnh, Nguyễn Bang Hanh, Ngô Đình Hoàn…

Đặc biệt có hai Linh mục người Bỉ tên Việt là Cung và cha Kính(13) phụ giúp môn Lý hóa và Pháp văn (hai cha về giúp Bùi chu do lời mời của Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi(14), Giám mục địa phận). Tổng Giám thị là Linh mục Trần Văn Phán. Linh mục Phán vốn người địa phận Hưng hóa năm 1947 dẫn hai thầy bốn Nguyễn Văn Hồng và Lộc cùng một số đại chủng sinh Hưng hóa tản cư về Bùi chu rồi nhập luôn địa phận này. Ông Trần Văn Doanh (tức cụ giáo Doanh người làng Ngọc cục) làm phụ tá giám thị một niên học..Linh mục Hiệu trưởng Trần Đức Huynh đã mấy lần lên Hà nội đề nghị nha Học chính Bắc phần bổ nhiệm các giáo sư đủ tiêu chuẩn bằng cấp và nhiều kinh nghiệm về giảng dạy. Nhưng yêu cầu này không được đáp ứng, vì ngay ba trường Chu Văn An, Trưng Vương và Nguyễn Trãi ở ngay Hà nội cũng không có đủ các giáo sư tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông dương hay có bằng Cử nhân. Vì vậy, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ủy nhiệm cho Linh mục Hiệu trưởng được toàn quyền tuyển Hồ Ngọc Cẩn.

Học sinh Hồ Ngọc Cẩn ăn vận tự do, chỉ những ngày lễ đặc biệt mới mặc đồng phục. Những học sinh nhà xa trọ ngay tại Bùi chu hoặc mấy làng lân cận. Trời mùa đông rét lạnh, đôi khi gặp ngày giá buốt, ban sáng trên đường đến trường tay chân run lẩy bẩy hai hàm răng đánh vào nhau run lập cập.  Vào lớp tay lạnh cóng không viết được bài. Những hôm đó thầy gọi lên đọc bài, thì có thuộc hay không cũng đều ú a ú ớ, hai hàm răng đánh vào nhay lập cập. Những ngày mưa to gió lớn, ở xa đến trường thực là cực khổ vất vả. Đi bộ thì đất trơn trượt, dùng xe đạp thì cứ đi được mấy chục thước là đất thịt dẻo như kẹo kéo bám chặt vào phanh xe, không thể nào đạp được; phải dừng lại gậy đất rồi lại đạp tiếp. Lắm lúc muốn quăng luôn xe đạp xuống vệ đường cho rảnh rồi đi bộ cho nhẹ mình. Thỉnh thoảng quân đội Quốc gia mở các cuộc hành quân ở xa xa, vừa học vừa nghe tiếng súng đại bác đặt cạnh trường nã đạn ầm ầm, rung chuyển cả phòng học. Những buổi đó ban Giám đốc phải cho nghỉ học, nhiều tên học sinh chạy đi xem lính bắn súng, khi thấy nạp đạn vào nòng súng thì hè nhau bịt tai rồi trố mắt nhìn chờ đạn nổ đùng đùng…

Vào một đêm tối trời trong tháng 5 năm 1952, bộ đội Việt Minh lẻn về tấn công Trung đội Địa phương quân đóng ở Trung linh, đùng bọc pha phá sập một dãy nhà trong Tiểu chủng viện ở sát cạnh khu nhà xứ. Họ bắt đi các Linh mục Cung, Kính người Bỉ và hai Linh mục Việt nam: cha Giu-se Phạm Phúc Huyền và cha Hoàn (Tuyên úy dòng Mến Thánh giá Trung linh). Các Linh mục này bị đem đi Đầm Đùn ở vùng Chi nê Xích thổ ở vùng ranh giới Thanh hóa – Ninh bình. Trong lúc đi qua Quần phương(15) cũng bắt luôn cả Linh mục Phạm Tri Phương. Sau khi hiệp định Gènve 1954 ra đời, Linh mục Phạm Phúc Huyền được trả tự do, người ta mới biết các Linh mục Cung và Kính bị hạ sát trên đường đến Đầm Đùn, còn Linh mục Hoàn đã qua đời trong trại giam. Vì vấn đề an ninh, nên niên học 1952-1953 trường Hồ Ngọc Cẩn phải dời sang thị xã Bùi chu. Đức cha Phạm Ngọc Chi, Giám mục Bùi chu, là người rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, Ngài chấp thuận lại cho nhà trường muợn hoàn toàn miễn phí một số phòng ốc của Tòa Giám mục và trường Kẻ giảng của địa phận làm các lớp học và văn phòng.

Cho đến kỳ hè năm 1953, học sinh các lớp Đệ tứ trường Hồ Ngọc Cẩn còn phải lên tỉnh lỵ Nam định để thi Trung học Phổ thông. Bùi chu và Nam định chỉ cách nhau 27 cây số đường đất, nhưng vì tình trạng chiến tranh và sợ bị bắt cóc giữa đường, nên học sinh ít ai dám dùng đường bộ, hầu hết đáp ca-nô ở bến Bùi chu, ngược sông Ninh cơ (tức sông Cửa Lạch) đến ngã ba Cựa Gà rồi theo sông Hồng đổ bộ lên phố Bến Thóc để vào thành phố Nam định. Một vài người nhà khá giả thì đi máy bay hãng CLCT ở sân bay Cựa Gà để đi thi. Còn nhớ ngồi máy chưa đầy 9 phút đồng hồ đã tới Nam định.

Vì sự lưu thông quá cách trở như vậy, nên Bộ Quốc gia Giáo dục theo lời đề nghị của Linh mục Hiệu trưởng Trần Đức Huynh, chấp thuận kể tự năm học 1952-1953, tổ chức Hội đồng thi Trung học Phổ thông ngay tại Bùi chu, để giúp học sinh học sinh đi lại thuận tiện dễ dàng và đỡ tổn phí. Còn thi Tú tài, học sinh Hồ Ngọc Cẩn cũng như tất cả các tỉnh khác ở Bắc phần, đều phải về Hà nội dự thí.

Mặc dầu sống trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng học sinh Hồ Ngọc Cẩn vẫn ngày thêm đông đúc và ngoan ngoãn chăm chỉ học hành. Bắt đầu tự năm học 1951-1952, nhà trường thu nhận cả nữ học sinh, phần đông là các nữ tu dòng Đa minh và dòng Văn côi, còn ngoài đời chỉ loáng thoáng vài ba người. Sĩ số học sinh niên khóa 1952-1953 lên tới con số trên 3.000. Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của Nhà Đạo, nhưng số học sinh Công giáo cũng chỉ xấp xỉ khoảng 30 phần trăm, trong số này có chừng 250 chủng sinh, một ít tu sĩ dòng Đòng công ở Liên Thủy và một số nữ tu. Còn lại là những người thờ ông bà tổ tiên hoặc Tin lành hay Phật giáo hay chẳng theo tôn giáo nào. Học sinh chẳng những gồm người tỉnh Bùi chu, mà còn cả người mấy tỉnh lân cận như Nam định, Thái bình, Hưng yên, Phát diệm và cả Hà nam, Hải dương nữa.

Dưới quyển diều khiển của Linh mục Hiệu trưởng Trần Đức Huynh, trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thì mùa hè năm 1954 mặt trận Điện Biên phủ mỗi lúc một thêm ác liệt. Rồi do sự dàn xếp của các cường quốc, Pháp và Việt minh phải ký kết hiệp định ở Genève ngày 20-07-1954 để tạm thời chấm dứt cuộc chiến tranh đã dằng dai trong suốt chín năm trường. Hiệp định quy định toàn thể miền Bắc Việt nam thuộc quyền cai trị của Chính phủ Việt minh. Linh mục Trần Đức Huynh cũng như như hầu hết giáo chức và đa số học sinh Hồ Ngọc Cẩn theo gia đình di cư vào miền Nam.

Vừa chân uớt chân ráo tới Sài gòn, Linh mục Trần Đức Huynh đã vội vã vận động với Bộ Quốc gia Giáo dục để xin tái lập trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn tại Sài gòn để giúp các học sinh di cư của mình có chỗ học hành. Đề nghị của ngài được chính quyền và phụ huynh học sinh  rất hoan nghênh. Niên học 1954-1955, trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn di cư được mở tại khu vực nhà thờ Huyện Sỹ, số 63 đường Bùi Thị Xuân thuộc quận II thủ đô Sài gòn. Sang năm học sau, trường dời đến một công sở tọa lạc tại đường Lê Quang Định ở tỉnh lỵ Gia định, ngang chợ Bà Chiểu và xế lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Linh mục Trần Đức Huynh tiếp tục làm Hiệu trưởng một thời gian rồi xin nghỉ. Bài này chỉ viết về Trung học Hồ Ngọc Cẩn ở Bùi chu ở miền bắc, nên không đề cập nhiều đến giai đoạn sau khi trường đã di cư vào Nam.

oOo

Mới ngày nào còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, nay ngoảnh lại thoắt đã gần nửa thế kỷ ! Lưu lạc nơi xứ lạ quê người, ngồi nghĩ về ngôi trường xưa quê cũ mà lòng xao xuyến bùi ngùi với bao kỷ niệm vui buồn dồn dập trong tâm não. Quý vị đồng song Hồ Ngọc Cẩn Trung Linh  – ở trong nước hay tại hải ngoại –  giờ đây cũng chẳng còn lại mấy người, ai nấy trên đầu đã hai ba thứ tóc, và tất cả đều là những ông kia bà nọ. Riêng người viết bài này đã lên chức “cụ” ngay hồi còn ở nước nhà…

Vũ Lục-Thủy           

SG Kieu Dac Them 2Chú Thích

1/- Bùi chu : một làng nhỏ thuộc tổng Thủy nhai, huyện Giao thủy, phủ Xuân trường, tỉnh Nam định. Theo sắc lệnh của Tòa thánh ngày 05-09-1848, phân tòa Địa phận Đông ký Đàng ngoài (cũng gọi là Địa phận Đông Bắc kỳ) thành Địa phận Đông (gồm lãnh thổ các tỉnh Hải dương, Bắc ninh, Tuyên quang,  Cao bằng, Lạng sơn, Quảng yên) và Địa phận Trung (gồm lãnh thổ tỉnh Nam định [Thái bình khi đó còn thuộc Nam định] và một phần tỉnh Hưng yên). Do thỉnh nguyện Hội đồng Giám mục Đông dương, ngày 03 tháng 12 năm 1924,  Tòa thánh ban hành sắc lệnh cải danh các Địa phận ở Đông dương, do đó Địa phận Trung (cũng gọi địa phận Trung ký) đổi tên thành Địa phận Bùi chu.

Ngày 06-06-1951, Thủ tướng Trần Văn Hữu ban hành nghị định số TT-264/Cab/SG, tách phần đất phía Đông Nam tỉnh Nam định để thành lập một tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Bùi chu. Địa bàn tỉnh Bùi chu gồm các quận Xuân trường, Giao thủy, Hải hậu, Trực ninh, Nam trực và một phần đất của quận Nghĩa hưng. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Bùi chu.

2/- Linh mục Phạm Châu Diên sinh năm 1914, người làng Lục Thủy, huyện Giao thủy,  phủ Xuân trường, tỉnh Nam định. Sau khi ông tốt nghiệp trường Thành chung Nam định năm 1936, Chủng viện Bùi chu thiếu thầy dạy Pháp văn nên mời ông phụ trách môn này. Rồi dần dần sau đó ông mới nhiễm không khí nhà tu và quyết chí bước chân vào cuộc đời tu hành rồi trở thành Linh mục. Ông là nghĩa tử của Đức cha Hồ Ngọc Cẩn, chịu chức ngày 04-08-1946 tại nhà thờ Chính tòa Bùi chu. Linh mục Phạm Châu Diên đã biên soạn khoảng hai chục quyển sách về tôn giáo, hiện ở nhà Hưu dưỡng Bùi chu tại Chí hòa, Sài gòn.

3/-Linh mục Đôminicô Đinh Khắc Túc sinh năm 1908, gốc người làng Phú nhai, phủ Xuân trường, tỉnh Nam định. Cha mẹ ngài di cư xuống ấp Phú thọ, huyện Giao thủy. Chịu chức Linh mục năm 1936, sau đó giữ chân Giáo sư Đại chủng viện Bùi chu. Năm 1945 Bề trên cử làm cha chính xứ đạo Lục thủy tới năm 1951. Ngài tính tình vui vẻ, giao thiệp rất rộng và được lòng mọi người, qua đời năm 1994 tại xứ đạo ở một đồn điền cao xu vùng Phước thành.

4/-Lục thủy: một ngôi làng nhỏ thuộc tổng Thủy nhai, huyện Giao thủy,  phủ Xuân trường, tỉnh Nam định, cách Tòa Giám mục Bùi chu chưa đầy 1cây số rưởi đường chim bay. Về phương diện tôn giáo là Lục thủy là một xứ đạo toàn tòng và kỳ cựu bậc nhất ở Bắc Việt.

5/-Đức cha Hồ Ngọc Cẩn là Giám mục Việt nam tiên khởi của Địa phận Bùi chu. Ngài sinh năm 1876 tại Ba châu tỉnh Quảng trị. Năm 1924 ngài sáng lập dòng Thánh Tâm. Năm 1935 được Tòa thánh bổ nhiệm là Giám mục phó Bùi chu vối quyển kế vị Đức cha Munagori Trung. Lễ thụ phong cử hành tại nhà thờ Chính tòa Huế ngày-06-1935, và lên cai quản địa phận tự ngày 17-06-1936.

Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn là một người rất thông thái, đã giỏi La ngữ và Pháp văn, lại uyên thâm Hán học. Sau khi ngài chịu chức Linh mục năm 1902, đi phó xứ vài năm rồi được cử làm Giáo sư Chủng viện An ninh và bắt đầu biên soạn những sách giáo khoa. Các tác phẩm của ngài phần lớn do ấn quán Nazareth của Sociétés des Missions Étrangères ở Hongkong ấn hành. Ngài viết rất nhiều, trên dưới khoảng 40 tác phẩm về đủ mọi lãnh vực, tự giáo lý, triết học, đến Văn chương, thi phú và giáo khoa. Những sách được ca tụng nhiều hơn cả là Hán Việt Thường Đàm, Mẹo Tiếng La Tinh, Văn Chương Thi Phú An Nam, Mẹo Tiếng An Nam, Văn Chương An Nam, Hán Tự Qui Giản… Ngoài ra, Ngài còn viết nhiều bài nghị luận về giáo lý, triết học và văn chương đăng trên các báo Vì Chúa ở Huế, Lời Thăm Các Thầy Giảng ở Quy nhơn, nguyệt san Sacerdos Indonensis của hàng Linh mục Đông dương. Ngài qua đời tại Bùi chu ngày 27-11-1948.

6/-Nhưng còn một lý do đặc biệt khác khiến cả hai người đồng ý chọn tên trường là Hồ Ngọc Cẩn: Cha Phạm Châu Diên là nghĩa tử của Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn. Cha Đinh Khắc Túc là một trong hai người đầu tiên do Đức cha Hồ truyền chức Linh mục vào năm 1936, và ngài đặt lại tên cho hai tân Linh mục là Thủ và Túc (Thủ là Linh mục Trần Đình Thủ, người sáng lập dòng Đồng công).

7/-Giáo sư Đặng Vũ Tiển, thường gọi là tú Tiển vì ông đậu Tú tài Pháp, người làng Hành thiện, tổng Hành thiện, huyện Giao thủy, phủ Xuân trường, tỉnh Nam định. Thân phụ là ông Đặng Vũ Cao, năm 24 tuổi đậu Cử nhân khoa Ất mão (1915) tại trường Hà-Nam, niên hiệu Duy Tân IX.

8/-Trung linh là một làng nhỏ (ở phía đông Bùi chu) thuộc tổng Thủy nhai, huyện Giao thủy, phủ Xuân trường, nhưng là một xứ đạo lâu đời, và Tiểu chủng viện của Địa phận Bùi chu đặt tại đây.

9/-Linh mục Trần Đức Huynh sinh năm 1923, người làng Ứng luật, huyện Kim sơn tỉnh Ninh bình, địa phận Phát diệm. Tự nhỏ ngài sang tu bên địa phận Bùi chu. Xuất thân Đại Chủng viện thánh Albertô Cả ở tỉnh lỵ Nam định. Ngài chịu chức Linh mục năm 1947 tại nhà thờ chính tòa Bùi chu , sau đó được Bề trên cử về phụ trách xứ Lạc đạo. Đến năm 1950 về giữ chức Hiệu trưởng trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn.

10/-Trường Chu Văn An là Trung học kỳ cựu nhất ở Bắc kỳ, thành lập năm 1907. Tên chính thức của trường là Collège du Protectorat, dịch là trường Bảo hộ. Vì trường tọa lạc ở làng Thụy khuê ở phía Nam Hồ Tây, làng này có tên tục là Bưởi ở phía nam Hồ Tây, nên quen gọi nôm na là trường Bưởi. Ban đầu trường chỉ dạy hai cấp Tiểu học và Cao đẳng Tiểu học, mãi đến năm 1926 mới bắt đầu mở các lớp Tú tài Bản xứ (Baccalauréat local), năm 1928 bãi bỏ cấp Tiểu học. Năm 1930 bỏ cấp đẳng Tiểu học và cải tổ thành trường Trung học (Lycée) với đầy đủ các lớp Trung học như bên “mẫu quốc”. Năm 1945, trường đổi tên là Trung học Chu Văn An. Trước 1954, giáo sư Vũ Ngô Xán (người làng Lục thủy), tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông dương, làm Hiệu trưởng Chu Văn An. Sau hiệp đinh Genève chia đôi đất nước,  ông di cư  trường vào Sài gòn, và giữ chức Hiệu trưởng đến giữa niên học 1956-1957.

11/-Trường Trưng Vương cũng đã có tự lâu. Năm 1917 nhà cầm quyền Pháp mở trường Nữ Sư phạm đặt tại phố Hàng Vôi. Năm 1925 trường nữ này đổi tên thành Collège des Jeunes Filles tức trường Nữ Trung học Hà nội, và chờ trường sở ở phố Félix Faure (Tổng thống Pháp tự 1895-1899) hoàn tất thì dời về đó. Nhưng khi trường sở mới xây thì trường Nữ học Pháp giành mất, nên năm 1930 nên trường di chuyển về đại lộ Đồng Khánh (tên cũ là phố Hàng Bài). Sau năm 1945, đổi tên là trường Nữ Trung học Trưng Vương, nhưng trường sở bị chiếm làm cơ sở bộ Quốc phòng, nên học sinh phải học chung với trường Nữ Tiểu học ở phố Lò Đúc (tên cũ là Avenue Armand Rousseau, tên của viên Toàn quyền Đông dương 1895-1896). Năm 1948 trường Trưng Vương dời về trường Tiểu học Pháp ở đầu đại lộ Hai Bà Trưng, và bắt đầu mở tới lớp Đệ Nhị. Bà Tăng Xuân An, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông dương làm Hiệu trưởng trường Trung học Trưng Vương đến ngày di cư vào Nam, và bắt đầu mở tới bậc Đệ Nhị cấp.

Trước năm 1954, bà Tăng Xuân An, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông dương làm Hiệu trưởng trường Nữ Trung học Trưng Vương. Sau đó trường di cư vào Sài gòn, bà tiếp tục nhiệm vụ này trong nhiều năm.

12/-Ngày 24-08-1920 của Toàn quyền Paul Doumer ký nghị định thành lập tại thành phố Nam định một trường Trung học cấp I, và người đương thời quen gọi là trường Thành chung Nam định. Trường thu nhận học sinh các tỉnh Nam định, Hà nam, Thái bình, Ninh bình, Hưng yên. Niên học đầu chỉ có một lớp duy nhất với 45 học sinh, năm sau có thêm một lớp thứ hai và vẫn học nhờ ở trường Tiểu học Cửa Bắc (École Jules Ferry, tên của Thủ tướng Pháp, nugời chủ trương dùng vũ lực dể đánh chiếm Bắc kỳ). Năm sau trường di chuyển đến Dốc Ngải và mở thêm năm thứ ba. Niên khóa 1923-1924 trường mở thêm năm thứ tư và dời về trường sở mới ở phố Bến Ngự. Qua nghị định ngày 23-09-1924 của Toàn quyền Đông dương, trường đổi tên là École Primaire Supérieur Franco-indigène, người Việt thời đó gọi là trường Cao đẳng Pháp Việt. Kể tự  niên khóa 1937-1938, trường mới bắt đầu được phép thu nhận một số nữ sinh. Năm 1942, trường lại đổi thành Collège de Nam định. Năm 1945, Giáo sư Phan Thế Roanh, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông dương, được bổ nhiệm làm quyền Hiệu trưởng, và một lần nữa trường đổi tên thành Trung học Nguyễn Khuyến, nhưng cũng vẫn chỉ dạy đến hết năm Thứ tư bậc Trung học.

Tháng 11 năm 1946, cuộc chiến tranh Pháp Việt bắt đầu bùng nổ tại Bắc Việt, Chính phủ Việt Minh lập tức ban hành chính sách tiêu thổ kháng chiến. Tháng 12 năm 1946, trường Nguyễn Khuyến tản cư khỏi thành phố. Một phần nhỏ của trường chạy vào Yên mô tỉnh Ninh bình để thành lập trường Nguyễn Thượng Hiền, sau lại dời vào Thanh hóa, đổi tên là trường Hoa lư rồi tách dần thành các trường La Văn Cầu và Nguyễn Quốc Trị (đến giai đoạn này thì không còn gì dính dáng gì đến trường Nguyễn Khuyến cũ ở Nam định nữa). Đa số giáo chức và học sinh trường Nguyễn Khuyến tản cư về Xuân trường và tái lập trường tại làng Trà lũ bắc (gọi tắt là Trà bắc), và trường vẫn mang tên cũ là Nguyễn Khuyến. Đến năm học 1949-1950 0trường phải giải tán vì quân đội Liên hiệp Pháp đổ bộ về vùng Bùi chu. Sau đó nhiều giáo sư và học sinh hồi cư về Nam định. Bộ Quốc gia Giáo dục mở lại trường Nguyễn Khuyến tại Nam định, nhưng cũng chỉ có lớp Trung học đệ nhất cấp.

13/-  Hai vị Linh mục người Bỉ này thuộc Tu hội Société Auxiliatrice des Missions, viết tắt là SAM,. Không nhớ tên ngoại quốc của các ngài. Cha Cung lớn tuổi nhưng không có râu, cha Kính trái lại trẻ hơn nhưng lại rậm râu.

14/- Đức cha Phạm Ngọc Chi sinh năm 1909, người làng Tôn đạo, tổng Quy hậu, huyện Kim sơn, tinh Ninh bình, địa phận Phát diệm. Sau khi chịu chức Linh mục tại La mã năm 1933, ngài ở lại học thêm, năm 1933 đậu Tiến sĩ Triết học rồi hồi hương. Ban đầu ngài giữ chân giáo sư rồi thăng Giám đốc Đại Chủng viện Phát diệm. Năm1950 Tòa thánh bổ nhiệm ngài làm Giám mục Bùi chu, Sau khi di cư vào Nam 1954, ngài được cử coi sóc giáo dân Bắc Việt di cư. Đến năm 1957, ngài được cử làm Giám mục địa phận Quy nhơn. Năm 1963, Tòa thánh chỉ định ngài làm Giám mục địa phận Đà nẵng. Ngài qua đời ngày 21-01-1988.

Đức cha Phạm Ngọc Chi coi sóc địa phận Bùi chu chỉ trong thời gian mấy năm, và trong hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng ngài hiểu  nhiều biết rộng, có tinh thần cầu tiến, nhất là tính tình bình dị,  lại biết tiếp nhận ý kiến của người khác, nên nhờ đó Bùi chu đã có nhiều tiến bộ rõ rệt cả cả về các lãnh vực tôn giáo lẫn xã hội

15/-Quần phương: một làng lớn thuộc tổng Kim giả, huyện Hải hậu, tỉnh Nam định, sau phân làm Quần phương đông, Quần phương thượng, Quần phương trung, Quần phương hạ, Quần phương nam… Làng Quần phương nguyên tên cũ là Quần anh. Sau khi vua Tự Đức thăng hàngày 12-11-1883,  quần thần dâng thụy hiệu ngài làKế thiên Hành vận Chí thành Đạt hiếu Thể kiện Đôn nhân Khiêm cung Minh lược Duệ văn Anh hoàng đế. Do đó để tránh quốc húy, làng Quần anh phải đổi làm Quần phương. Năm Quý tỵ (1533), niên hiệu Nguyên hòa thứ nhất đời vua Lê Trang-tông, Giáo sĩ I-Nê-Khu đã đến truyền giáo tại Quần phương. Trước năm 1954, Đại chủng viện Bùi chu đặt tại xứ đạo này.

Kiều Đắc Thềm P2-6067 – chuyển tiếp

Bình luận về bài viết này